9X thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nuôi chim bồ câu Pháp
Ngày tạo: 13/05/2022

 

Sinh năm 1994 nhưng đã là ông chủ một gia trại nuôi hàng nghìn con chim bồ câu Pháp, doanh thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Đó là anh Nguyễn Bá Duẩn ở đội 7, thôn An Giới, xã An Sơn – một thanh niên có ý chí, khát vọng vươn lên và đã thành công trên chính mảnh đất quê hương.
 

Nếu so sánh với các gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm khác thì gia trại nuôi chim bồ câu Pháp của anh Duẩn có quy mô chuồng nuôi khá khiêm tốn với chỉ 300m2, tuy nhiên, lại được xây dựng khá khoa học, gọn gàng, bảo đảm thông thoáng. Khu vực chăn nuôi của anh Duẩn hiện có 3 dãy chuồng nuôi trên 1.500 đôi chim bố mẹ. Đàn chim được anh chăm sóc chu đáo nên đều đặn sinh ra những lứa chim non mang lại giá trị kinh tế cao.

Chỉ tay về phía những chú chim đang thời kỳ mọc lông ống, anh Duẩn cho biết, thường cứ 15-16 ngày, mỗi cặp chim bố mẹ sẽ đẻ 2 quả trứng và sau 17 – 18 ngày sẽ nở ra chim non. Chim non nuôi từ 25 - 28 ngày sẽ được xuất bán. Bình quân mỗi tháng gia đình anh xuất bán từ 900 - 1.000 cặp chim non, doanh thu 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 25 triệu đồng. Anh Duẩn cho biết thêm: “Cũng có những thời điểm giá thức ăn chăn nuôi giảm thì số tiền lãi còn cao hơn, có thể từ 30-35 triệu đồng/tháng. Chim non sản xuất ra bao nhiêu đều được các thương lái thu mua hết”.

 
 
Anh Duẩn ghi chép thông tin theo dõi ngày đẻ trứng của chim bồ câu
 

Ít ai biết để có được thành công như hôm nay, anh Duẩn đã từng phải vất vả kiếm sống bằng nhiều nghề. Sau khi tốt nghiệp hệ sơ cấp Khoa Đường sắt Trường Đại học Giao thông vận tải, song anh lại chưa xin được việc như mong muốn mà đi làm công nhân, phụ bếp, rồi có thời điểm đi đặt đó bắt tôm cá trên sông… Ở vị trí công việc nào thu nhập cũng thấp, không bảo đảm cuộc sống. Bước ngoặt đến với anh Duẩn từ sau khi kết hôn năm 2015. Nhận thấy bố vợ của mình nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế khá, anh Duẩn học làm theo.

Sau khi tích góp được ít vốn, năm 2017, anh Duẩn xây dựng chuồng nuôi chim bồ câu Pháp, đầu tư 70 triệu đồng mua được 200 đôi chim bố mẹ về nuôi. Bước vào chăn nuôi đồng nghĩa với những khó khăn cũng dần xuất hiện, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Ban đầu quy mô còn nhỏ, chưa có mối tiêu thụ, anh Duẩn phải tự mình xếp chim vào lồng rồi chở sang tận phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) để tìm đầu mối giao buôn. Vất vả nhưng trời không phụ người quyết tâm. Trong những lần đi giao hàng đó, anh đã gặp và học hỏi được nhiều kinh nghiệm nuôi chim bồ câu của một số chủ trang trại ở thành phố Chí Linh; đồng thời, tìm được các đầu mối thu mua sản phẩm ổn định tại chỗ cho trang trại của mình.

Vừa học, vừa làm theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Đúng một năm sau khi đi “tầm sư học đạo”, năm 2018, anh Duẩn đã có thể tự nhân giống chim bố mẹ, mở rộng quy mô đàn lên 900 đôi. Nhờ kinh nghiệm học hỏi được nên việc chăn nuôi cũng rất thuận lợi. Đàn chim phát triển tốt, sinh sản đều đặn, ít khi bị bệnh. Quy mô chăn nuôi từng bước mở rộng, số lượng chim non xuất chuồng ngày càng tăng, thương lái đến tận gia trại thu mua. Anh Duẩn không còn vất vả chở từng lồng chim rong ruổi mang đi khắp nơi chào bán như trước.

 
 
Anh Duẩn kiểm tra máy ấp trứng 
 

Với quy mô chăn nuôi đang từng ngày mở rộng, anh Duẩn đã đầu tư mua 6 máy ấp trứng vừa nâng cao tỷ lệ trứng nở, vừa rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ của chim mẹ khi chim mẹ không phải ấp trứng. Theo anh Duẩn, nuôi chim bồ câu Pháp hay bất kỳ vật nuôi nào thì cũng đều có khó khăn, rủi ro do dịch bệnh, thời tiết, giá cả thị trường và đôi khi còn phụ thuộc vào cả yếu tố may mắn. Để có được thành công trong chăn nuôi đòi hỏi phải có sự mạnh dạn, kiên trì tìm tòi, chịu khó học hỏi, sáng tạo, biết khắc phục khó khăn. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, chim sản xuất ra khó bán, 2 vợ chồng anh Duẩn phải mổ thịt mang đi bán lẻ ở các chợ kết hợp bán trực tuyến trên mạng xã hội Facebook. Nhờ đó mà việc sản xuất không bị gián đoạn và lỗ vốn. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ tiêu thụ chim thịt cho nhiều trang trại nuôi chim ở các xã khác và ở thành phố Chí Linh.

Đối với chim bồ câu Pháp, anh Duẩn cho rằng đây là loài vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cám, ngô và lúa mạch trộn đều. Quá trình nuôi cũng không vất vả. Mỗi tuần chỉ cần vệ sinh chuồng trại và rắc vôi bột 1 lần, 10 ngày phun thuốc sát khuẩn 1 lần. Dãy chuồng nuôi chim phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trong quá trình nuôi, cần chú trọng tiêm vắc-xin phòng bệnh, sử dụng các loại men vi sinh, điện giải và can xi trộn lẫn vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng của vật nuôi. Anh Duẩn chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn hiệu quả cao thì phải dành thời gian chăm sóc, theo dõi hàng ngày, kiểm tra xem chim có biểu hiện ốm hay không để có biện pháp điều trị kịp thời. Trên mỗi lồng chim có bảng theo dõi ghi đúng ngày đẻ trứng và phải đánh dấu phân biệt từng đôi chim để theo dõi con nào đẻ kém phải thải loại”.

Ngoài sản phẩm chim non, hiện nay gia trại nuôi chim bồ câu Pháp của anh Duẩn còn bán các sản phẩm như chim bố mẹ, chim giống và chim hết tuổi sinh sản. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người hộ nuôi chim bồ câu Pháp. Nhận xét về trang trại của anh Duẩn, anh Lê Minh Hoàng – Bí thư Đoàn xã An Sơn nói: “Những năm gần đây thanh niên An Sơn rất năng động trong phát triển kinh tế ở địa phương, trong đó mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Nguyễn Bá Duẩn là một mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao đã truyền cảm hứng cho những bạn trẻ thêm ý chí, quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương mình”.

Trong bối cảnh chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, khi giá thức ăn liên tục tăng, người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều nhưng với sự kiên trì nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Duẩn đã thành công với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để nhiều thanh niên học tập.

 
KIM ÁNH 
In trang Quay lại Lên trên
Các tin khác
- Tấm lòng của Ni trưởng Thích Đàm Lượng (17/05/2023)
- Chị Hiên yêu đồng ruộng, tích cực công tác xã hội (17/05/2023)
- Em Nguyễn Phương Trang được trao tặng giải thưởng Kim Đồng  (14/05/2023)
- Ông Tề nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất (12/05/2023)
- Chị Hảo vì người lao động (10/05/2023)
- Chỉ huy trưởng "2 giỏi"(22/04/2022)
- Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuệ làm kinh tế giỏi(25/03/2022)
- Khi người dân An Thượng đồng lòng(14/01/2022)
- Dòng họ Nguyễn Văn ở thôn Linh Khê hiếu học(07/01/2022)
- Nữ hội viên Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi(06/12/2021)
 
++ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC
100%
Số hồ sơ xử lý: 0
Trước & đúng hạn: 0
Trễ hạn: 0
Trễ hạn: 0%
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NAM SÁCH
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nam Sách
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Quang Hoàng - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp số 20/GP-STTTT
Ngày 10/2/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương
Email: bbtnamsach@gmail.com