Giá trị văn hóa lịch sử của di tích Đền Mỹ Xá
Ngày tạo: 15/09/2022

 

Đền Mỹ Xá xã Minh Tân là di tích có giá trị lịch sử văn hóa, là niềm tự hào của nhân dân địa phương và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Lễ hội đền Mỹ Xá năm nay được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng 9 (tức ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch).
 

Đền Mỹ Xá được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) với kiến trúc kiểu chữ Nhị, bao gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Kết cấu công trình theo kiểu kèo cầu trụ báng, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn đóng bén và bê tông cốt thép. Tại di tích này vẫn còn lưu giữ một số mảng chạm khắc thời Nguyễn có giá trị. Mái đền được lợp ngói mũi truyền thống, tường xây gạch chỉ. Cùng với công trình kiến trúc, đền Mỹ Xá còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị được làm bằng các chất liệu gỗ, kim loại, gốm… Đặc biệt tại đền còn có hệ thống voi đá, ngựa đá, án nhang đá, ngai vị, tượng đá có kích thước lớn. Các cổ vật này không chỉ có giá trị về nghệ thuật, văn bản, niên đại mà còn có giá trị về khoa học. Đền Mỹ Xá đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 2008.

 
 
Di tích đền Mỹ xá xã Minh Tân 
 

Đền Mỹ Xá phụng thờ đức vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ), một thủ lĩnh quân sự kiệt xuất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, đem lại thái bình cho đất nước vào đầu thế kỷ XV. Tương truyền, mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi chính thức dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, truyền hịch kêu gọi tập hợp hào kiệt ở khắp nơi cùng hiệp sức đánh giặc cứu nước. Năm 1427, để chuẩn bị cho trận đánh quyết định Lục Đầu Giang, đoàn quân của Lê Lợi đã về đóng quân trên cánh đồng làng Mỹ Xá để chuẩn bị lực lượng, lương thảo. Nhân dân làng Mỹ Xá cùng dân trong vùng đã tiếp tế lương thực, thực phẩm và cả trai tráng cho nghĩa quân đánh giặc. Sau 10 năm “nếm mật nằm gai”, với phương châm “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, bằng lối đánh “lấy ít địch nhiều”, nghĩa quân của Lê Lợi đã quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, đem lại thái bình đất nước. Sau đó Lê Lợi lên ngôi vua, đặt tên nước là Đại Việt và trị vì đất nước hưng thịnh. Khi Lê Lợi băng hà, nhân dân làng Mỹ Xá đã xây dựng ngôi đền trên chính mảnh đất khi xưa nhà vua đã đóng quân để ghi nhớ công đức vị vua có công với nước.

 
 
Bia đá được lưu giữ tại đền Mỹ Xá 
 

Ngoài thờ Lê Lợi, đền Mỹ Xá còn phối thờ hai cụ bà người họ Vương là cụ Vương Thị Ngọc Viên và Vương Thị Ngọc Chắt đều là người đức hạnh, có ân huệ với nhân dân trong vùng, được vua Lê Dụ Tông phong là thành hoàng làng. Trong nội cung của đền hiện có ngai thờ của hai bà.

Trong kháng chiến chống Pháp, đền Mỹ Xá là nơi ẩn náu của bộ đội địa phương và dân quân du kích để đánh tan ca nô và cướp thuyền của giặc trên sông Thái Bình. Sau đó đền bị giặc Pháp đốt cháy một phần. Hòa bình lập lại, nhân dân làng Mỹ Xá đã khôi phục lại ngôi đền cũng như các lễ hội truyền thống từng diễn ra tại đây.

 
 
Đền Mỹ Xá hiện còn nhiều cổ vật bằng đá 
 

Lễ hội đền Mỹ Xá được tổ chức vào ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày mất của vua Lê Lợi. Trong ngày này, không chỉ dân làng Mỹ Xá mà cả nhân dân 3 làng Rẫy và 7 làng Hàn nô nức về dự hội, dâng lễ vật là những nông sản tinh túy nhất do chính mình làm ra để dâng lên vị vua anh minh cùng Thành hoàng làng. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức “lễ” truyền thống, phần ‘hội” còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, cờ người, bơi chải, bắt vịt, đi cầu thùm, buổi tối có hát chèo, hát tuồng…

Đền Mỹ Xá là nơi sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của nhân dân Mỹ Xá nói riêng, nhân dân xã Minh Tân và vùng lân cận nói chung. Chính vì vậy, theo năm tháng, ngôi đền được tu bổ, tôn tạo ngày thêm khang trang, tố hảo. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại đây cũng được phát huy, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc để người Mỹ Xá luôn khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 
 
Đường vào khu di tích đền Mỹ Xá 
 

Cũng như mọi năm, lễ hội đền Mỹ Xá năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng 9 (tức ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch). Hiện nay, các công việc phục vụ cho lễ hội đã được xã Minh Tân chuẩn bị chu đáo để mỗi người dân về dự lễ đều tự hào về truyền thống của quê hương, từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và giữ gìn, tôn tạo di tích thêm khang trang, để ngôi đền luôn là biểu tượng của niềm tin và sự gắn kết cộng đồng, là nơi gửi gắm ước vọng của người dân về một cuộc sống an bình, hạnh phúc.

 

TRẦN MAI ANH

In trang Quay lại Lên trên
Các tin khác
- Bà Cúc làm giàu từ những chiếc chổi (17/03/2023)
- Công an xã Hiệp Cát trả tài sản cho người đánh rơi (13/03/2023)
- Bí thư đoàn xã Hồng Phong tận dụng ruộng bỏ hoang để sản xuất lúa hàng hóa (28/02/2023)
- Bà Trịnh tích cực thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước theo lời Bác dạy (14/02/2023)
- Phố huyện Nam Sách xưa và nay (03/02/2023)
- Công an xã Hiệp Cát trao trả lại tài sản cho người dân đánh rơi(28/08/2022)
- Nét đẹp đình Nội Hưng(27/06/2022)
- 9X thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nuôi chim bồ câu Pháp(13/05/2022)
- Chỉ huy trưởng "2 giỏi"(22/04/2022)
- Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuệ làm kinh tế giỏi(25/03/2022)
 
++ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC
100%
Số hồ sơ xử lý: 0
Trước & đúng hạn: 0
Trễ hạn: 0
Trễ hạn: 0%
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NAM SÁCH
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nam Sách
Trưởng Ban biên tập: Ông Vũ Quang Hoàng - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp số 20/GP-STTTT
Ngày 10/2/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương
Email: bbtnamsach@gmail.com