Qua gần 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã tạo được sự chuyến biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân xã Nam Hồng về tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn.
Để thực hiện tốt việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái cũng như sức khỏe nhân dân, xã Nam Hồng đã triển khai kế hoạch thực hiện công việc này một cách đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn bộ các thôn, các trường học, các hộ gia đình trên địa bàn. Công tác tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh của xã được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó Nam Hồng còn tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Ban Chấp hành các hội, đoàn thể, trưởng thôn, các tổ thu gom rác thải và người dân để mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cách nhận biết để phân loại các nhóm chất thải, cụ thể việc phân loại… Xã cũng tổ chức việc đăng ký, cam kết thực hiện phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đối với các hộ gia đình; đồng thời, thành lập tổ kiểm tra, giám sát để sao cho khi bắt tay vào thực hiện công việc này sẽ đạt hiệu quả ngay từ những ngày đầu.
Tổ thu gom rác thải xã Nam Hồng thu gom rác 3 lần/tuần
Nam Hồng hiện có 1345 hộ với trên 4.600 khẩu, lại có chợ Hóp họp thường xuyên các buổi chiều hàng ngày, nên lượng rác thải trung bình mỗi ngày xấp xỉ 2 tấn. Nếu như trước đó 3 tổ thu gom rác thải tại 3 thôn thực hiện thu gom rác mỗi tuần 2 lần, nhưng qua thời gian đầu thực hiện phân loại, để phù hợp với thực tế, xã đã điều chỉnh tăng thêm 1 buổi mỗi tuần, trong đó 2 lần thu gom rác hữu cơ vào đầu tuần và cuối tuần, và 1 lần thu gom rác vô cơ vào giữa tuần. Không chỉ thời gian đầu, mà hiện nay Nam Hồng vẫn duy trì thường xuyên việc kiểm tra để đôn đốc, nhắc nhở thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình. Chính vì vậy, sau gần 6 tháng thực hiện việc phân loại rác thải đã được các hộ gia đình của Nam Hồng cơ bản thực hiện tốt. Chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Đồn Bối cho biết: “Phân loại rác thải sinh hoạt đã trở thành thói quen của gia đình tôi cũng như các gia đình trong thôn; bà con đều mong sẽ duy trì thường xuyên và mãi mãi việc này để giữ gìn môi trường và sức khỏe cho mọi người, cho cộng đồng”.
Bên cạnh các hộ có ý thức trong phân loại rác thải ngay tại gia đình, vẫn còn một số ít hộ phân loại chưa triệt để, đặc biệt có một số hộ sinh sống dọc đường 5B không để rác vào thùng mà chứa hỗn độn vào túi nilon vứt sang bên bờ sông. Các trường hợp này đã được Nam Hồng cho thông báo, nhắc nhở trên loa truyền thanh của xã; nếu tiếp tục vi phạm, sẽ kiên quyết xử lý theo Luật Môi trường.
Theo đồng chí Lê Văn Trăm - Chủ tịch UBND xã Nam Hồng, khó khăn nhất hiện nay trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải tại Nam Hồng là kinh phí. Các tổ thu gom rác thải từ chỗ làm việc 2 buổi, tăng lên 1 buổi nữa thành 3 buổi mỗi tuần, trong khi mức thu phí đổ rác thải là 6000 đồng/khẩu/tháng vẫn giữ nguyên, xã phải hỗ trợ buổi thứ 3 cho các tổ này. Hiện các tổ thu gom rác thải của Nam Hồng sử dụng 2 xe tải loại nhỏ (tải trọng 5 tạ) và 1 công nông có tải trọng khoảng 2 tạ nên không đảm bảo vệ sinh trong quá trình vận chuyển. Tại khu bể ủ của xã có 4 ngăn, mỗi ngăn khoảng 40 m3 hiện đã đầy, xã phải dồn đảo các bể nhiều lần để có chỗ chứa tiếp. Tuy mỗi lần đổ rác xuống đều rắc chế phẩm sinh học theo đúng quy định, song có thời điểm do chế phẩm sinh học được hỗ trợ chậm nên lượng rác trong bể ủ không phân hủy kịp, vì vậy tại khu vực xây dựng bể ủ vẫn còn nhiều ruồi, nhặng, dòi, chưa đảm bảo vệ sinh. Với ngăn ủ phân hữu cơ đã đủ thời gian được khai thác, qua kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu nhưng chưa có nơi tiêu thụ, dù xã đã khuyến khích nhân dân dùng thử nghiệm. Địa điểm trung chuyển rác vô cơ của Nam Hồng xa khu dân cư, giáp ranh các xã An Sơn, Thái Tân, Hồng Phong, mặc dù đã làm barie chắn và khóa, song thường xuyên xảy ra hiện tượng phá khóa đổ trộm các đồ vật cũ khi dọn nhà như giường, tủ, bàn ghế sô pha cũ, vật liệu xây dựng… Riêng trong tháng 9 vừa qua, lượng rác vô cơ của Nam Hồng chuyển đi xử lý là xấp xỉ 11 tấn.
Thôn Thượng Đáp xã Nam Hồng thường xuyên kiểm tra việc phân loại rác tại các hộ gia đình
Để việc phân loại rác thải tại hộ gia đình mang lại hiệu quả thiết thực, Nam Hồng cũng có kế hoạch vận động nhân dân tự xử lý rác hữu cơ ngay tại vườn nhà, vừa để giảm tải lượng rác ra bể ủ, vừa có lượng phân hữu cơ phục vụ trồng trọt tại chỗ, song lại khó khăn trong tìm nguồn chế phẩm vi sinh phù hợp. Nếu có nguồn chế phẩm vi sinh đảm bảo, chắc chắn nhân dân sẽ hưởng ứng thực hiện.
Những khó khăn, bất cập tồn tại, Nam Hồng đang có hướng để từng bước tháo gỡ sao cho vừa tiếp tục thực hiện hiệu quả, vừa huy động được sự ủng hộ cả về ý thức cũng như đóng góp kinh phí của nhân dân; quyết tâm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải tại nguồn trở thành thói quen, nếp sống văn minh của mỗi người, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã, góp phần để Nam Hồng thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
TRẦN MAI ANH