Phát huy truyền thống của gia đình, của quê hương xã Nam Chính - nơi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, Bà Vương Thị Trịnh ở thôn An Thượng (xã Nam Chính) luôn gương mẫu, tích cực trong các phong trào của địa phương, nhất là trong phong trào vệ sinh yêu nước và xây dựng nông thôn mới.
Trong ngôi nhà nhỏ, sạch sẽ, ấm cúng, gia đình bà Trịnh lưu giữ cẩn thận những tấm ảnh Bác Hồ về thăm năm xưa. Trên bức tường ở phòng khách, ảnh Bác Hồ về thăm gia đình bà năm 1965, ảnh Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm sau này được treo trang trọng cùng với những tấm bằng Tổ quốc ghi công về hi sinh bố chồng và chồng của bà trong kháng chiến như một tài sản thiêng liêng, vô giá mà gia đình bà rất đỗi tự hào.
Năm 2012, gia đình bà Trịnh vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Bà Trịnh trong bộ áo dài tím)
Năm nay bà Trịnh đã tròn 80 tuổi, song cứ gần đến ngày 15/2 hàng năm là bà lại bồi hồi nhớ lại những ký ức được đón Bác Hồ về thăm của 58 năm về trước (ngày 15/2/1965). Khi ấy bà là giáo viên trường Cấp I xã Nam Chính. Các trường học, các đoàn thể xã đến các thôn đều tích cực chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng đặc biệt mà không ai được được biết trước. Dù không được gặp Bác, nhưng qua lời của mẹ chồng bà (cụ Vương Thị Khe) kể lại là Bác đã về thăm và khen giếng nước của gia đình bà, khiến bà rất xúc động, tự hào. Đây được coi là mô hình tiêu biểu, kiểu mẫu với giếng khơi (cung cấp nước sạch sinh hoạt) và hố xí hai ngăn (có ngăn để ủ làm phân hữu cơ bón ruộng). Sau đó, mô hình vệ sinh của gia đình bà Vương Thị Trịnh đã được nhân rộng trong phạm vi toàn xã, toàn huyện và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Niềm vinh dự, tự hào được đón Bác Hồ về thăm đã theo bà bao nhiêu năm tháng cuộc đời để bà thêm quyết tâm, cố gắng gương mẫu trong mọi công việc, dù trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Bà động viên chồng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ở hậu phương bà làm tròn nhiệm vụ của người con dâu, người chiến sỹ trên bục giảng mang con chữ đến cho con em quê mình. Tháng 2 năm 1969, chồng bà hi sinh để lại giọt máu bà mang trong mình mới 2 tháng tuổi. Bà Trịnh ở vậy, sinh con và nuôi con khôn lớn trưởng thành. Bà luôn làm tròn bổn phận của người con dâu trưởng trong dòng tộc, là gia đình chính sách gương mẫu tiêu biểu, là hội viên phụ nữ tích cực trong các phong trào của địa phương.
Giếng khơi nơi Bác Hồ về thăm năm xưa vẫn được gia đình bà Trịnh gìn giữ và sử dụng với niềm vinh dự, tự hào.
Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm xã Nam Chính và phát động phong trào vệ sinh yêu nước tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu cũng đã đến thăm gia đình bà Vương Thị Trịnh. Mô hình vệ sinh kiểu mẫu trước đây của gia đình bà vẫn được bà giữ gìn, đó được xem như là kỷ niệm vô cùng quý báu của gia đình bà, là lịch sử của quê hương mà bà và gia đình rất tự hào. Khi xã hội ngày càng phát triển, là hội viên phụ nữ tiên phong trong thực hiện vệ sinh môi trường, gia đình bà là một trong những gia đình đầu tiên trong xã lắp đặt nước máy và vệ sinh tự hoại khép kín.
Năm 2017, thôn An Thường, xã Nam Chính được Huyện ủy, UBND huyện Nam Sách chọn làm điểm để nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Hộ gia đình bà Trịnh là gia đình tiêu biểu, việc phân loại rác thải sinh giữa chất hữu cơ và chất vô cơ, chất hữu cơ tái chế, tái sử dụng và không không thể tái chế, tái sử dụng được thực hiện triệt để. Ngoài việc sử dụng hai thùng nhựa (thùng xanh và thùng đỏ) để phân loại rác thải, hộ gia đình bà Trịnh còn đào hố xử lý rác hữu cơ tại vườn làm phân bón cho cây trồng.
Đến nay, thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban thường vụ Huyện ủy Nam Sách về phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện, hộ gia đình bà Vương Thị Trịnh tiếp tục phát huy truyền thống trước đó và gương mẫu thực hiện tốt với ba thùng phân loại và 1 hố ủ rác hữu cơ tại vườn. Mô hình phân loại rác thải của hộ gia đình bà Trịnh đã được chính quyền địa phương ghi nhận là mô hình kiểu mẫu, tiêu biểu. Nhiều Hội đoàn thể trong xã, các hộ gia đình, hội viên trong thôn đã đến học hỏi kinh nghiệm.
Cùng với việc đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới, xây dựng, giữ gìn nền nếp gia đình, bà Vương Thị Trịnh còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho các hội viên khác và nhân dân trong thôn xây dựng các mô hình vệ sinh, góp phần tích cực vào phong trào vệ sinh yêu nước tại địa phương. Năm 2022, bà Vương Thị Thịnh được Hội LHPN tặng Giấy khen.
NHƯ HUẾ