Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Nam Sách

23/4/2023  |  English  |  中文

Nhà Truyền thống huyện Nam Sách

...
 
1. Tên gọi

Nhà Truyền thống huyện Nam Sách nằm trong khuôn viên Trung tâm văn hóa thể thao huyện tại thị trấn Nam Sách, là nơi trưng bày, giới thiệu về mảnh đất, con người, truyền thống lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa của huyện Nam Sách thông qua những tài liệu, hiện vật tiêu biểu được lưu giữ cho đến ngày nay.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tên Nam Sách được ghi chép trong sự kiện diễn ra vào năm Ất Tỵ (945), khi Ngô Vương (tức Ngô Quyền) mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách Giang, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Trải qua quá trình phát triển, đơn vị hành chính có sự điều chỉnh, thay đổi, từ cấp lộ (thời Lý), châu (cuối thời Trần, Hồ), thừa tuyên (từ năm 1466 đến năm 1469), phủ (thời nhà Mạc, nhà Lê Trung Hưng, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn).Năm 1898, bỏ cấp phủ, cho nên không còn tồn tại danh xưng phủ Nam Sách, nhưng đến năm 1927, theo sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn, cấp phủ Nam Sách vẫn còn tồn tại, với 13 tổng (là An Dật, An Điền, An Lương, An Ninh, An Phú, Cao Đôi, La Đôi, Lạc Nghiệp, Mạn Đê, Thượng Triệt, Trác Châu, Vạn Tải, Vũ La) và 105 xã. Ngày 25/3/1948, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 148-SL ..bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận. Cấp trên cấp xã và cấp dưới cấp tỉnh nhất luật gọi là cấp huyện”cho nên tên huyện Nam Sách có lẽ chính thức xuất hiện từ thời điểm này.

Hiện nay Nam Sách là một trong 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương. Đây là vùng đất cổ có con người lập nghiệp, sinh sống từ lâu đời và chính họ đã tạo lập nên truyền thống lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng và rất sâu sắc. Sách Hải Đông chí lược có tổng kết, "Vùng đất này không ai giống ai nhưng có đủ danh công khanh tướng, trung thần nghĩa phụ. Từ thời Lý đến nay chẳng bao giờ thiếu“.Đây cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, truyền thống hiếu học khoa bảng, nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân của đất nước như Phạm Cự Lạng, Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi, Trần Quốc Lặc, Trần Sùng Dĩnh, Vũ Dương, Hàn Thuyên, Ngô Hoán, Trần Cảnh, Trần Tiến, Trần Thọ, Nguyễn Mại,... Họ không chỉ là những vị đỗ đại khoa mà còn đem tài năng, trí tuệ của mình đóng góp xây dựng đất nước, quê hương trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo, tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai của nhân dân, góp phần vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt là truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Nam Sách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp qua các thời kỳ cách mạng. Ngày 14/6/2003, Nhà Truyền thống huyện Nam Sách được khởi công xây dựng và đến ngày 02/9/2004 được khánh thành và đưa vào sử dụng với tổng số vốn 3.350.000.000 đồng (447 lượng vàng 9999).

 
 
Toàn cảnh Nhà truyền thống huyện
 

2. Nội dung trưng bày Nhà truyền thống huyện Nam Sách

Nhà Truyền thống huyện Nam Sách gồm 2 tầng với diện tổng tích là 820m2. Nội dung trưng bày 168 bức ảnh và các tài liệu hiện vật về lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng của đất và người Nam Sách; hình ảnh lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ; các danh hiệu được Nhà nước phong tặng cho Đảng bộ và Nhân dân Nam Sách theo trình tự lịch sử,...

Tầng 1: Giới thiệu về truyền thống chống giặc ngoại xâm và xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Tại vị trí trung tâm tầng 1trang trí bức phù điêu gò đồng giới thiệu khái quát về mảnh đất và con người Nam Sách, hình ảnh quân và dân Nam Sách với Chủ tịch Hồ Chí Minh có kích thước 32m2 do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thiết kế và thi công.

Chủ đề 1: Giới thiệu về vị trí địa lí, hoàn cảnh tự nhiên và con người Nam Sách

Nam Sách là vùng đất địa linh nhân kiệt, hiếu học khoa bảng nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, được 3 con sông Thái Bình, Kinh Thày và sông Lai Vu bao bọc. Phía bắc huyện giáp thành phố Chí Linh và huyện Lương Tài (Bắc Ninh); phía đông giáp thị xã Kinh Môn; phía tây giáp huyện Cẩm Giàng; phía nam giáp thành phố Hải Dương và huyện Thanh Hà. Việc phát hiện mộ thuyền La Đôi (Hợp Tiến) cho thấy vùng đất Nam Sách được người Việt cổ về đây tụ cư sinh sống từ trước Công nguyên đã hình thành vùng đất trù phú, con người hiếu học, đăng khoa. Trải qua những thăng trầm lịch sử, địa giới hành chính Nam Sách có sự điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp như: Nam Sách giang, Nam Sách lộ, Nam Sách thừa tuyên, Nam Sách phủ, Nam Sách huyện suốt từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

 
 
Sa bàn huyện Nam Sách trưng bày tại Nhà Truyền thống
 

Chủ đề 2: Trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hiện vật, hình ảnh nhân dân Nam Sách đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Nội dung trưng bày, giới thiệu một số tư liệucụ thể như:

+ Hình ảnh: Cảnh lao động cực khổ của người nông dân Nam Sách dưới chế độ thực dân phong kiến; những gia đình cơ sở cách mạng ở Nam Sách thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; chân dung các đồng chí lão thành cách mạng của Nam Sách thời kỳ 1940-1945; thực dân Pháp tàn phá làng mạc và các loại hoa màu; lực lượng vũ trang Nam Sách tiếp quản đường số 5 năm 1954; thanh niên Nam Sách lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu; hình ảnh trận địa phòng không và xác máy bay Mỹ rơi; hình ảnh Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của huyện và của các xã trong huyện; một số địa điểm, cơ sở cách mạng,...

+ Nhóm tài liệu, hiện vật gồm: Nhãn hàng rượu Phông ten, cân xôi thịt; Bom xi măng, Kiếm, Mã tấu của các hội viên Việt Nam Quốc dân Đảng ở Nam Sách năm 1930; sưu tập báo chí của Đảng và Mặt trận dân chủ đã được lưu hành ở Nam Sách những năm 1926-1939. Danh sách các thành viên Uỷ ban nhân dân Cách mạng Lâm thời huyện Nam Sách. Nhóm hiện vật về chiến tranh du kích đường số 5, tài liệu hiện vật về sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hải Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sưu tập súng các loại; Bảng thống kê thành tích của quân và dân Nam Sách trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu (1965-1975); Bảng thống kê danh sách các liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng của Nam Sách qua 2 cuộc kháng chiến; Bảng thống kê danh sách các đơn vị anh hùng và các cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân huyện Nam Sách. Nhóm hiện vật của quân và dân Nam Sách trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chân dung các bí thư, chủ tịch huyện Nam Sách từ năm 1945 đến nay; sưu tập Huân, Huy chương các loại của quân và dân Nam Sách qua hai cuộc kháng chiến; sưu tập con dấu của các cơ quan chính quyền và đoàn thể Nam Sách.

+ Tiểu cảnh: Cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Phú Lương năm 1967 của quân và dân Nam Sách.

 
 
Vỏ máy bay, vỏ bom bi của giặc Pháp; súng Aka, súng trường của lực lượng vũ trang huyện trong kháng chiến chống Pháp
 

Tầng 2: Trưng bày giới thiệu các hiện vật, hình ảnh thể hiện sự phát triển của huyện Nam Sách và hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh về thăm và làm việc tại huyện nhiều năm qua.

Chủ đề 1: Sự phát triển của nền kinh tế Nam Sách

Nam Sách là một vùng đất được hình thành từ rất sớm. Cư dân người Việt đã đến định cư ở đây từ ngàn năm nay, cũng như các miền quê khác trên châu thổ Sông Hồng, người dân Nam Sách sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, bên cạnh đó là nghề thủ công, nghề phụ. Nam Sách nằm giữa hai con sông lớn là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy nên có đất đai màu mỡ, dễ canh tác và nhờ đó, các làng quê cũng khá trù phú. Nghề thủ công ở Nam Sách không nhiều, quy mô sản xuất không lớn nhưng có những mặt hàng nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn có mặt trên thị trường thế giới như sản phẩm gốm Chu Đậu thế kỷ thứ XIV-XVII và gốm Chu Đậu hiện nay.

Tại đây trưng bày và giới thiệu một số tài liệu, hiện vật về: Sưu tập nông cụ truyền thống của người dân Nam Sách giai đoạn 1954-1975; sưu tập về hiện vật, hình ảnh về các làng nghề truyền thống của huyện Nam Sách: Gốm làng Quao, dệt chiếu Thái Tân. Đặc biệt giới thiệu về gốm Chu Đậu (các hình ảnh, sản phẩm và tiểu cảnh Một góc làng gốm Chu Đậu xưa).

Chủ đề 2: Văn hoá, giáo dục và y tế- xã hội Nam Sách

Nam Sách là vùng đất có truyền thống văn hoá lâu đời của tỉnh Hải Dương, theo thống kê, hiện nay huyện có 225 di tích lịch sử văn hoá, địa điểm cách mạng, trong đó có 10 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia, 17 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh.

Tại đây trưng bày và giới thiệu một số tài liệu, hiện vật hình ảnh về: Các công trình kiến trúc, tôn giáo và lễ hội tiêu biểu của huyện Nam Sách; sưu tập sắc phong thờ Thành hoàng làng, hương ước các thôn, làng ở Nam Sách; Bia Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 28 (1487) được dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội ghi hai vị tiến sĩ của Nam Sách là Trần Sùng Dĩnh và Nguyễn Đức Huấn; sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về các hoạt động và thành tích học tập, đào tạo của ngành giáo dục Nam Sách và hình ảnh về một số nhân vật lịch sử tiêu biểu của huyện Nam Sách.

Chủ đề 3: Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Sách, truyền thống lịch sử văn hóa đó đã được người dân Nam Sách kế thừa và phát huy lên một tầm cao mới, nhiều con em Nam Sách trên các lĩnh vực công tác đã đóng góp một phần sức lực của mình vào việc bảo lưu và phát huy các giá trị văn hoá của huyện, cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nội dung trưng bày và giới thiệu một số tài liệu, hiện vật hình ảnh về: Bác Hồ về thăm Nam Sách;các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và làm việc với lãnh đạo và Nhân dân Nam Sách và hoạt động đối ngoại của huyện,...

3. Bảo tồn và phát huy giá trị của Nhà Truyền thống

Nhà Truyền thống huyện Nam Sách được xây dựng trong 2 năm (2003-2004), do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế xây dựng và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thiết kế phần nội dung trưng bày.

 
 
Học sinh tham quan Nhà Truyền thống huyện 
 

Nhà truyền thống huyện là thiết chế văn hóa, nơi lưu giữ, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Nam Sách anh hùng, giúp cho các thế hệ cán bộ và Nhân dân Nam Sách hôm nay và mai sau hiểu biết một cách sâu sắc, toàn diện về lịch sử vùng đất, di sản văn hóa, truyền thống cách mạng anh hùng, vẻ vang của quê hương Nam Sách, qua đây, khơi dậy niềm tự hào, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên đường hội nhập và phát triển./.

BAN BIÊN TẬP